Thắng cảnh Núi_Yên_Tử

Chùa Hoa Yên - Núi Yên TửTháp Huệ Quang là nơi đặt một phần xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử nằm trên địa bàn hành chính thị trấn Tây Yên Tử và các xã Thanh Luận, An Lạc thuộc huyện Sơn Động, xã Lục Sơn thuộc huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang.[1] Ranh giới của Khu bảo tồn tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. KBTTN Tây Yên Tử hiện có 13.022,7 ha rừng và đất rừng đặc dụng bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (6.022,5 ha), phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ (7.000,2 ha).

Tại Tây Yên Tử đã xác định được 5 kiểu thảm thực vật chính: ở độ cao dưới 100 m: trảng cỏ và cây bụi; ở độ cao 100–200 m: trảng hóp xen cây gỗ nhỏ và tre nứa; ở độ cao 200–900 m: kiểu rừng kín thường xanh, cây lá rộng thường xen cây lá kim, mưa ẩm nhiệt đới; trên 900 m: kiểu rừng cây gỗ lá rộng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (2003, 2009), bước đầu đã thống kê được sự đa dạng về thành phần phân loại học của các lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái gồm: 27 bộ, 91 họ, 285 loài.[2]

Từ Hà Nội có thể đi xe ô-tô vượt quãng đường 125 km, đến thành phố Uông Bí thì rẽ vào đường Yên Tử, đi tiếp khoảng 9 km thì rẽ trái. Có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách:

  • Theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên. Với cách này có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành.
  • Theo đường đi bộ dài trên 6 km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10 m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã gieo mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.

Trước sân chùa sum suê từng khóm loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.

Tiếp đó tới chùa Hoa Yên (các tên gọi khác: chùa Cả, chùa Phù Vân, chùa Vân Yên) nằm ở độ cao 543 m với hàng cây tùng cổ tương truyền được trồng từ khi vua Trần Nhân Tông lên tu hành trên Yên Tử. Phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Sau điểm này là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 m. Chùa được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự (天竺寺). Đầu năm 2007, chùa Đồng mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất (cao 3 m, rộng 12 m², nặng 60 tấn) đã được đưa lên đỉnh Yên Tử.

Đứng ở độ cao 1068 m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng.

Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.